Rượu Chivas 21 hay Royal Salute 21 Years Old là kết quả của sự pha...
Chi TiếtChivas 12 năm là khởi nguồn của dòng rượu Chivas thương hiệu ....
Chi TiếtThời gian qua, các cơ quan quản lý thị trường, cơ quan chức năng các địa phương đã triển khai nhiều đợt ra quân xử lý các đơn vị, cá nhân sản xuất và buôn bán rượu giả, rượu nhái làm thiệt hại cho các nhà sản xuất chân chính và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ngày 12/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về sản xuất kinh doanh rượu nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trong nước. Trong đó, tại mục 2, Điều 15 quy định: “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, sản phẩm rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước, lưu hành trên thị trường phải được dán tem”.
Nghị định 94 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013, thay thế Nghị định số 40/2008/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu. Cùng với đó, sự ra đời của Thông tư 39/2012 - Bộ Công thương về việc hướng dẫn thi hành Nghị định 94 đã đem lại niềm vui cho các nhà sản xuất rượu chân chính và người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định nói chung và việc dán tem nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Trước thực trạng rượu giả, rượu nhái, rượu kém chất lượng vẫn đang hoành hành, thì “áp lực” việc dán tem sản phẩm rượu như thế nào và lộ trình dán tem sao cho hợp lý, đúng với thời gian quy định là một “bài toán khó”, đòi hỏi cách làm khoa học, để vừa đảm bảo được chống thất thu ngân sách, lại vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.
Hiện tại, tình hình sản xuất và tiêu thụ rượu giả vẫn diễn biến hết sức phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do thu được lợi nhuận cao, nhiều cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp trong nước vẫn cố tình sản xuất rượu giả, rượu nhái các nhãn hiệu rượu sản xuất trong nước và nhập khẩu nổi tiếng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Với các thủ đoạn như dùng vỏ chai rượu các nhãn hiệu nổi tiếng đã qua sử dụng, đối tượng làm giả đã dùng nhãn mác còn mới cùng với nắp, nút giả, dùng cồn, màu công nghiệp để pha chế rượu, lừa người tiêu dùng. Trong gần 5 năm qua, tại Việt Nam đã có hàng chục vụ ngộ độc với hàng trăm người bị ngộ độc do rượu và hàng chục người chết do uống rượu trắng có methanol.
Với thực trạng trên, sản phẩm rượu sản xuất trong nước và nhập khẩu rất cần được dán tem trên bao bì theo quy định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, việc dán tem cũng đòi hỏi phải đáp ứng được nhiều yếu tố như vừa giảm thất thu ngân sách, đồng thời vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi. Về vấn đề này, vừa qua, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước, để đưa ra những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Nghị định 94/CP.
Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - NGK Việt Nam (VBA) nhấn mạnh: “Hiện nay việc quản lý rượu lưu thông trên thị trường của nước ta còn nhiều hạn chế, chưa tạo được sự công bằng, kích thích sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp chân chính. Bởi vậy, chủ trương sớm dán tem các sản phẩm rượu lưu thông trên thị trường là rất thiết thực. Trên tinh thần đó, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng, Tổng cục thuế nên sớm có đề án, phương án thực hiện gửi tới các doanh nghiệp để đảm bảo tính bảo mật, thẩm mỹ, không ảnh hưởng tới tính thương mại của sản phẩm”.
Ông Hồ Văn Hải - Giám đốc Công ty CP Cồn Rượu Hà Nội (HALICO) kiến nghị: “Nếu áp dụng mẫu tem nhập khẩu dùng cho tem sản xuất rượu theo Nghị định 94/2012 thì sẽ rất khó để sản xuất ở quy mô công nghiệp (đặc biệt là với dây chuyền đóng chai, dán nhãn với công suất 20.000 chai/giờ như của HALICO); còn nếu áp dụng dán thủ công thì sẽ làm tăng đáng kể chi phí sản xuất cũng như giảm công suất thực tế của dây chuyền. HALICO đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ban, ngành có liên quan xem xét ban hành quy định theo hướng đảm bảo độ bền để các doanh nghiệp có thể áp dụng ở quy mô công nghiệp, đồng thời đảm bảo chất lượng. Tem sản xuất rượu được cung cấp dưới dạng cuộn với chất liệu phụ thuộc vào công nghệ dán hồ lạnh hoặc tự dính”.
Ông Phạm Văn Vinh - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Vang Thăng Long góp ý: “Ngày 1/1/2014 là mốc thời gian sẽ khó cho nhiều doanh nghiệp thực hiện, khi còn phải chuẩn bị rất nhiều việc. Hơn nữa, việc dán tem sẽ được nhiều loại hình doanh nghiệp quan tâm. Bởi vậy, về mặt quản lý Nhà nước, tem dán làm sao cần đảm bảo được tính công bằng cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiện nay rượu có nhiều kiểu chai, đa dạng mẫu mã, kích thước nên khi dán tem cần nghiên cứu dán như thế nào để đáp ứng mục tiêu chống hàng giả, hàng nhái”.
Ông Phạm Ngọc Lưu - Phó giám đốc Công ty CP AvinaA đề nghị: “Chúng tôi rất ủng hộ tinh thần của Nghị định 94/CP. Nhưng nên giãn thời gian áp dụng việc dán tem theo quy định. Vì hiện nay, thiết kế tem chưa có. Trong khi đó, thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị cho việc mua máy móc thiết bị, xử lý hàng tồn kho, in ấn tem... mất khá nhiều thời gian”.
Ông Trần Ngọc Khải - Trưởng phòng Quản lý In tem (Tổng cục Thuế) cho biết: “Dán tem là nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý của Nhà nước, chống hàng giả, bảo vệ uy tín thương hiệu sản phẩm rượu. Khi rượu sản xuất được cấp giấy phép, được dán tem tiêu chuẩn cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng được bảo vệ. Bởi vậy, chúng tôi cũng mong các doanh nghiệp lớn nhỏ sản xuất rượu luôn có tinh thần hợp tác chặt chẽ, mong sớm được khảo sát nhiều doanh nghiệp, để việc in tem, dán tem được áp dụng đúng quy định, tạo được sự yên tâm cho nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng”.