Đìu hiu hàng tết

(Rượu Song Long)  Sức mua vẫn yếu, thị trường tết 2014 dự báo không có nhiều sản phẩm mới.

tet-co-truyen-trung-quoc

 

Dịp tết là thời điểm các doanh nghiệp (DN) tung ra các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu tăng của người tiêu dùng (NTD). Một số DN cho biết những năm trước sức mua các tháng cận tết thường cao hơn 50% so với bình thường. Tuy nhiên, năm nay các doanh nghiệp sản xuất chỉ dám kỳ vọng sức mua tăng 10%.

Sức mua thấp

Mặc dù thời điểm tết đã cận kề, thế nhưng ghi nhận tại một số siêu thị như Co.opmart, Big C, Citimart… hàng hóa phục vụ tết vẫn chưa phong phú. Bên cạnh đó, không khí mua sắm cũng hết sức yên ắng, người mua cũng chỉ quan tâm đến các mặt hàng thiết yếu từ các chương trình khuyến mãi ở các siêu thị.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Saigon Food, cho biết năm nay công ty không tung ra sản phẩm đặc trưng riêng cho mùa tết mà chỉ giới thiệu các sản phẩm mới để có thể bán quanh năm. “Thật sự, sức mua của NTD trong những năm gần đây thấp. Người dân rất cân nhắc trong chuyện sử dụng những sản phẩm tết. Thế nên nếu kinh doanh nhiều sản phẩm cho riêng mùa tết, dễ xuất hiện tình trạng hàng tồn, tốn kém chi phí” - bà Lâm cho biết.

Người tiêu dùng hiện nay chỉ quan tâm mua sắm các mặt hàng giảm giá tại các siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN

Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy Thực phẩm Đồng Nai, cho biết hàng tết năm nay cũng chỉ là lạp xưởng, giò lụa, giò thủ… như mọi năm. Công ty ông Phương chỉ làm theo nhu cầu của thị trường chứ không trữ nhiều hàng.

 

qua-tet-2014-cua-ruou-song-long

 

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, cho hay DN vẫn thận trọng chờ tín hiệu thị trường. Cũng theo ông Viên, đối với các dòng hàng cao cấp, DN có sự điều chỉnh về mẫu mã bao bì để đưa ra giá cả phù hợp với túi tiền NTD hơn.

Mặt hàng bánh kẹo trên thị trường so với năm ngoái cũng chưa có gì mới. Đại diện Bibica khẳng định thay vì để nhiều sản phẩm (hơn 60 loại) như trước đây, năm nay Bibica chắt lọc lại những dòng sản phẩm được khách hàng ưa chuộng, đẩy mạnh chất lượng và hình ảnh sản phẩm theo hướng sang trọng hơn để thu hút khách hàng.

Trong khi đó, đại diện Công ty Vissan cho biết công ty có hẳn một “ngân hàng” sản phẩm mới nhưng chưa thể tung ra. Thứ nhất là sức mua NTD giảm. Thứ hai là thay vì đầu tư rất nhiều chi phí cho sản phẩm mới, DN tập trung kiện toàn mặt hàng chủ lực, thực hiện chương trình khuyến mãi để kích cầu.

DN “cắn răng” không tăng giá

Trước bối cảnh sức mua yếu, các DN hầu như không tăng giá bán dù chi phí sản xuất đầu vào vẫn tăng. Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, từ đầu năm đến nay giá nguyên liệu đầu vào tăng vô chừng, nhất là giá tôm thẻ tăng “khủng” lên đến 190.000 đồng/kg. Ngoài ra điện, nước, xăng dầu… đều tăng nhưng công ty bà Lâm chỉ tăng giá bán ra một lần duy nhất hồi tháng 10.

Cùng tâm trạng trên, ông Phương, Giám đốc Nhà máy Thực phẩm Đồng Nai, chia sẻ: “Cái khó của DN là sức mua thấp nên rất khó tăng giá sản phẩm đầu ra dù chi phí đầu vào tăng quanh năm. Dịp tết năm nay, DN càng không thể tăng giá bởi tính cạnh tranh cao giữa các DN trong thị trường trước sức mua kém”.

“Giá đầu vào tăng cao thì DN cũng không dám tăng vì NTD không có tiền để mua. Từ nay đến tết, chúng tôi cũng cam kết không tăng giá. Thậm chí thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá từ 5% đến 10%” - ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, khẳng định.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại Metro Cash&Carry, cho hay siêu thị đã chủ động liên kết chặt chẽ và làm việc với nhà sản xuất, nhà cung ứng để bảo đảm nguồn cung với giá ổn định. Đặc biệt là nhu yếu phẩm như thực phẩm, gạo, nếp, đường, dầu ăn, nước giải khát… Siêu thị Big C cũng cho biết sẽ nỗ lực đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa bình ổn giá cho dịp tết.

Ít có đột biến trong mua sắm

Dự báo sức mua thị trường những tháng cuối năm sẽ tăng lên. Nguyên nhân là tâm lý NTD thường là “dù gì cũng sẽ phải xài cho ngày tết”. Thế nên nhu cầu lẫn giá cả một số mặt hàng thiết yếu cuối năm sẽ tăng. Tuy nhiên, dự báo sẽ không có hiện tượng đột biến và thiếu hàng.

Bà LÊ NGỌC ĐÀO, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM