Ngày tết bàn về văn hoá rượu 2014

Ngày tết bàn về văn hóa rượu

Uống rượu mà như vậy là thái độ ứng xử thiếu văn hóa đối với rượu. Ngày xuân, có đôi lời với mong muốn con người ứng xử đúng mực hơn với loại đồ uống này, đừng tước đoạt đi vẻ đẹp văn hóa vốn có của rượu.

Ngày Tết đã đến rất gần, trong tiết trời ấm áp xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông, bên chén rượu thơm mừng xuân, con người tạm quên đi sự xô bồ của cuộc sống thường nhật, đẩy lùi những rủi ro của năm cũ để chuẩn bị một năm mới với bao kì vọng. Từ bao đời nay, chén rượu xuân đã trở thành nét văn hóa của nhân loại nói chung và của người Việt Nam nói riêng.

tet-co-truyen-trung-quoc

Ở Việt Nam, văn hóa uống rượu rất đa dạng và phong phú, mang đặc tính vùng miền rõ rệt, ví dụ người miền xuôi uống rượu bằng chén, người miền núi uống bằng bát. Các loại rượu cũng khác nhau theo từng dân tộc, theo từng địa danh và hầu hết đều có những truyền thuyết để mô tả xuất xứ của loại rượu đó. Phong cách uống rượu cũng rất khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện sinh hoạt, sản xuất.Người miền Tây Nam Bộ uống rượu lai rai, ồn ào: “Một, hai, ba…

Rượu chảy dài trong dòng lịch sử

     

Theo sử sách ghi lại, rượu xuất hiện ở Việt Nam từ buổi bình minh của đất nước. Sách Lĩnh Nam chích quái viết: “Buổi mới dựng nước, đồ ăn của dân chưa đủ. Lấy vỏ cây làm áo, dệt cói làm chiếu, lấy hèm làm rượu gạo, lất bột quang lang làm bánh, lấy thịt chim muông làm mắm, lấy gừng làm muối…”.

Nguyên nhân khiến người ta uống rượu có rất nhiều, nhưng tựu trung lại có mấy lí do chính:

Một là uống rượu có tính chất cộng đồng. Đây là hình thức để thỏa mãn nhu cầu gặp gỡ, chia sẻ vui buồn, trò chuyện, trao đổi thông tin của các nhóm bạn bè, gắn kết tình bằng hữu. Một hình thức uống rượu cộng đồng khác là trong các dịp lễ hội, các buổi việc làng thể hiện tính đặc trưng của văn hóa làng xã Việt Nam. Uống rượu còn một lí do nữa là để giải sầu, do rượu có chất men khiến người uống có cảm giác thăng hoa, tạm quên đi những nỗi buồn của cuộc sống thường nhật. Như vậy không thể phủ nhận, uống rượu là một nhu cầu, một tập quán trong giao tiếp xã hội. Người xưa có câu “Khách đến nhà không trà thì rượu”. Rượu được xem là một phần tất yếu của đấng mày râu dùng để tiếp đãi bạn bè, là món quà tao nhã để tặng người thân.  

Trải qua quá trình lịch sử, tục uống rượu phát triển thành văn hóa với đặc thù các vùng miền khác nhau, phản ánh thói quen, phong tục, bản sắc của địa phương, góp phần tạo nên giá trị cho rượu. Người sành rượu, trước hết cầm lấy chai rượu, ngắm nghía, vuốt ve chai rượu, tay nắm chặt chiếc chén trong tay, ướm ướm, rút nút chai rồi nhẹ nhàng rót rượu ra chén. Trong những cuộc rượu, người ít tuổi hơn khi nâng chén phải giữ ý, không để chén của mình cao hơn chén của người nhiều tuổi.

Và uống rượu đã trở thành một nét văn hóa

Tay nâng chén rượu lên miệng, nhấp một hớp nhỏ, khẽ chép miệng cho hương vị của rượu ngấm vào đầu lưỡi rồi mới tiếp tục uống hớp thứ hai, thứ ba… Uống như thế người ta gọi là thưởng rượu, để thấy tinh thần phấn khởi, nỗi mệt nhọc được giảm đi, tâm hồn nhẹ nhàng bay bổng. Người ta quên đi mọi bi kịch, mọi sự vụn vặt trong cuộc sống. Khi uống với bạn bè, người ta cùng uống, cùng say để tỏ tình thật với nhau, uống cho sự giao ước, hứa hẹn được bền vững.

Người sành rượu phải biết vị, biết hương thơm, sự huyền ảo và linh hồn của rượu… Người uống rượu phải biết nếm, biết thưởng thức cái hay, cái đẹp của rượu. Chủ nhà rót chén rượu ra mời khách, có ý chúc mừng; bên khách uống để đáp lễ, gọi là “chén tạc chén thù”. Người đàn ông lý tưởng thời xưa phải biết cầm, kì, thi, họa (nghĩa là phải biết chơi đàn, đánh cờ, làm thơ, vẽ tranh). Nhưng lại phải biết thưởng rượu mới là trọn vẹn.Người cầu kỳ khi uống rượu cần không khí, bạn uống phù hợp, rượu và thức nhắm phải ngon… Người giàu có uống rượu đắt tiền, người có chữ nghĩa vừa uống rượu vừa làm thơ phú, đọc cho nhau nghe những áng văn hay… Người nghèo thì uống rượu suông. Cũng có khi thức nhắm là quả sung, quả ớt, quả ổi hoặc quả nhót…  Trong bữa rượu, những người ngang tuổi hoặc có chức sắc được xếp ngồi với nhau, người ít tuổi hơn hoặc đám bình dân phải ngồi riêng một chỗ. Đó là thể hiện sự tôn trọng, đạo lí trong cuộc sống cho có lớp lang, cung bậc. Ngày nay, nhịp sống công nghiệp có phần xô bồ, người uống rượu với nhau bình đẳng hơn, nhưng vẫn giữ khoảng cách nhất định về thứ bậc, đó là giá trị văn hóa truyền thống bền vững không thể bị mất đi.

Văn hóa rượu trải khắp ba miền

  van-hoa-ruou-o-dan-toc
    
Một số dân tộc vùng cao có tục uống rượu cần, là thứ rượu được ủ men lá với bột gạo và trấu trong một vò cho lên men thành rượu. Trong tiệc rượu, mọi người quây quần xung quanh vò rượu, cùng uống bằng những chiếc cần làm từ tay của một loại tre. Người ta uống cạn vò rượu, lại chế thêm nước vào và tiếp tục uống cho đến khi nước nhạt hẳn mới thôi. Tính cộng đồng của tục uống rượu cần rất cao, mọi người cùng vui bên ché rượu cần, có khi vừa uống vừa nhảy múa quanh bếp lửa, không khí thật ấm cúng, thắm tình bản làng làm tan đi cái giá lạnh của núi rừng.Người Nam Bộ tính tình hào phóng, phần đông không coi trọng hình thức. Cá tính nhìn chung có phần lịch lãm, kèm theo chất giang hồ vô tư, không so đo tính toán. Điều này dễ minh chứng nhất trong việc nhậu nhẹt. Người Nam Bộ, đặc biệt miền Tây Nam Bộ nổi tiếng thích nhậu và nhậu nhiều, cũng chính vì thế phong cách nhậu của họ vô cùng phong phú: nhậu lai rai, nhậu lớt lớt, nhậu sương sương, cũng có khi cao hứng nhậu đến “quắc cần câu”, sáng ra lại nhậu tiếp… Chất nhậu Nam Bộ, bắt nguồn từ văn minh sông nước. Đồng lúa bát ngát, sông nước mênh mông với những công việc không phải lo quá xa, lấy nguồn cảm hứng từ hương lúa dạt dào cho những điệu lý, câu vọng cổ lanh lảnh nên họ có thể lai rai, nhâm nhi vừa uống vừa bàn luận đủ mọi việc từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác. Người Nam Bộ nhậu rất đơn giản, có thể ở ngoài bờ ruộng, trong vườn cây ăn trái, ngay ngoài sân, hiên nhà hay trên chiếc xuồng câu. Mồi nhậu cũng không cầu kỳ phức tạp, đi làm đồng bắt được con cá lóc, con chuột đồng đắp rơm nướng vàng thêm ít muối ớt đựng trong tàu lá chuối, vài cọng rau dại, một chai rượu là có thể thành bữa nhậu. Đôi khi chỉ cần trái bần non, trái cóc cũng đủ làm cuộc nhậu.

 

ngay-tet-ban-ve-van-hoa-ruou

 

Uống rượu có văn hóa và điều độ còn tốt cho sức khỏe. “Hải Thượng Lãn Ông” Lê Hữu Trác từng đã dạy rằng: “Bán dạ tam bôi tửu/Bình minh nhất trản trà/Nhật nhật ư như thử/Lương y bất đáo gia” (Tạm dịch: Buổi tối uống ba chén rượu/Sáng ra uống ấm trà/Ngày nào cũng như vậy/Thầy thuốc khỏi đến nhà).  Tuy nhiên, không thể không nói đến mặt trái của việc uống rượu. Một khi con người lạm dụng rượu thì rượu sẽ gây ra tác hại khôn lường, trước hết là làm hại sức khỏe và làm mất tư cách con người khi say rượu. Không ít trường hợp mượn rượu để làm những điều tệ hại, phô trương thói hợm hĩnh, trưởng giả.

Say rượu thường dẫn đến gây gổ, ẩu đả, làm mất trật tự và an ninh xã hội. Lại có những kẻ uống rượu một cách lãng phí xa hoa.Uống rượu mà như vậy là thái độ ứng xử thiếu văn hóa đối với rượu. Ngày xuân, có đôi lời với mong muốn con người ứng xử đúng mực hơn với loại đồ uống này, đừng tước đoạt đi vẻ đẹp văn hóa vốn có của rượu.